Cứ vào đầu năm học mới, vấn đề học thêm lại bị báo chí và mạng xã hội bàn tán. Mọi người phân tích, nhìn nhận học thêm ở nhiều khía cạnh, nhưng nhìn chung với tình trạng học thêm vô tội vạ thì ai cũng thấy rằng nó đang tạo ra gánh nặng rất lớn cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
Học thêm không có gì sai hay xấu, nếu đó là môn học tự nguyện hay miễn phí. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới vẫn có học thêm, nhưng chỉ rơi vào hai trường hợp.
Một là tự nguyện, khi học sinh muốn học các môn năng khiếu như âm nhạc, hội họa, thể thao… theo hướng chuyên sâu và hoàn toàn học ở bên ngoài trường, không do giáo viên của trường phổ thông dạy. Gọi là chuyên sâu vì các môn này ở mỗi trường phổ thông của họ đều dạy kỹ càng, đầy đủ, và có nhiều câu lạc bộ, đội nhóm, kỳ thi cho học sinh tham gia tự do nếu thích thú.
Hai là miễn phí, vì bất cứ học sinh nào học kém hay có nhu cầu học giỏi hơn thì nhà trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục ở đó có thể cử người dạy kèm tới giúp các con hoàn toàn miễn phí.
Dù vô tình hay cố ý thì giáo viên vẫn có cách để nhắc nhở phụ huynh cho con đi học thêm
Người dạy kèm này có thể là học sinh cùng trường mà có thành tích xuất sắc hay chính là thầy cô giáo của con. Thông thường là cử học sinh giỏi tới dạy kèm, là vì họ cho rằng "học thầy không tày học bạn", cùng tuổi chỉ nhau học, đua nhau học sẽ tốt hơn. Việc dạy kèm này sẽ dừng lại khi các con có thành tích tốt hơn và đã có nếp tự học.
Ở nước ta, từ thập niên 1980 trở về trước ở cả hai miền Nam Bắc hầu như không có tình trạng dạy thêm và học thêm vô tội vạ như sau này. Học sinh khi đó chỉ học một buổi ở trường rồi về nhà. Ai học kém có thể nhờ các bạn giỏi hơn chỉ giúp hay hỏi thầy cô, miễn phí.
Nhưng kể từ thập niên 1990 trở về sau này, học thêm ngày càng phổ biến và dần trở thành học thêm vô tội vạ ở nhiều nơi. Thực trạng này có nguyên do từ việc không ít thầy cô lôi kéo, thậm chí ép học sinh học thêm để tăng thu nhập vì đồng lương quá thấp. Nhưng cũng có nguyên nhân từ cha mẹ học sinh, muốn con chạy đua thành tích, theo phong trào, cho con đi học thêm vì "sợ ở nhà không ai trông nom lại quậy phá", "sợ thầy cô đì, bị điểm xấu và mất tự tin"…
Học thêm vô tội vạ khiến tình thầy trò, môi trường giáo dục bị thương mại hóa, tiền trao cháo múc, có đi học thêm thì có điểm cao - học giỏi vì trúng tủ, không có thì điểm thấp, học dốt vì không trúng tủ.
Học sinh phải chịu gánh nặng rất lớn với học thêm quá đà, vì các em phải học 3 ca cả ngày từ sáng tới tối, tổn hại sức khỏe thể chất và trí tuệ cũng như tinh thần. Cha mẹ thì tốn kém tiền bạc.
Ở các đô thị lớn, chi phí giáo dục của mỗi học sinh ở bậc phổ thông trung bình từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng, trong đó tiền học thêm các kiểu chiếm phần đáng kể. Đa số các bậc phụ huynh phải còng lưng kiếm tiền mới đủ cho con ăn học.
Đó là chưa kể việc học thêm vô tội vạ khiến cha mẹ mất rất nhiều thời gian đưa đón con, vào cuối ngày và cuối tuần. Từ đó dẫn tới mất cân bằng trong đời sống gia đình, tạo ra nhiều sức ép, căng thẳng tâm lý, làm gia đình mất đi sự thư thái và hạnh phúc cần thiết.
Và điều này như một guồng quay cứ vận hành đều đặn năm này qua năm khác, bất hợp lý song vẫn tồn tại ngang nhiên vì thiếu giải pháp đồng bộ. Những sự phê phán hay cấm đoán dạy thêm, học thêm đều cho thấy không thực sự hiệu quả nếu không nhìn vào một trong những "gốc rễ" của vấn đề là phải nâng lương, tăng thu nhập cho giáo viên, để họ sống được bằng nghề giáo mà không cần phải dạy thêm.
Nhìn qua các quốc gia láng giềng thì Trung Quốc đã làm rất tốt điều này trong vòng vài năm gần đây. Giáo viên các trường công của họ là công chức nhà nước, thi đậu để làm giáo viên rất khó, nhưng khi đã đậu thì có đời sống tương đối ổn định vì lương cao. Và giáo viên tuyệt đối không được dạy thêm. Việc dạy thêm bị cấm hoàn toàn tại các trường học, các cơ sở tư nhân, thậm chí các quán cà phê… Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng theo quy định luật pháp.
Họ làm như vậy vì thấy rõ việc dạy thêm vô tội vạ sẽ phá hỏng môi trường giáo dục, làm cho học hành thực chất thụt lùi, tổn hại sức khỏe của thế hệ trẻ và gây gánh nặng quá lớn khiến tỷ lệ sinh suy giảm - dân số già tăng nhanh - từ đó tăng gánh nặng phúc lợi xã hội và làm giảm sức cạnh tranh quốc gia.
Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại các chính sách để thực sự bắt tay vào việc chấm dứt tệ học thêm vô tội vạ, giảm gánh nặng cho xã hội.
Nguồn: Internet