Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn Aedes aegypti truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành và dễ gây nguy hiểm cho cả gia đình. SXH nếu được phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi nhanh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, có một số hiểu lầm dẫn đến việc phòng chống và chữa trị bệnh gặp nhiều khó khăn.
1. Sốt xuất huyết cũng giống như sốt bình thường nên không đáng lo ngại?
Điều nguy hiểm nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở giai đoạn 2 trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt. Tùy vào cơ địa mỗi người, khi mắc bệnh SXH, sẽ có những trường hợp bệnh tự khỏi sau vài ngày sốt, cũng có những trường hợp xuất hiện thêm nhiều triệu chứng, bệnh diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ tử vong nếu không xử lý kịp thời.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, các bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng, chống sốc tích cực như: truyền dịch, điện giải, sử dụng các dung dịch cao phân tử, thậm chí có nhiều trường hợp phải sử dụng huyết tương, truyền tiểu cầu và hỗ trợ thở máy.
2. Nhận biết dấu hiệu sốc như thế nào, hết sốt có phải là hết bệnh
Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh SXH với dấu hiệu đặc trưng là sốt đột ngột, sốt cao, liên tục và khó hạ. Vì vậy điều đáng lo ngại là, nhiều người cứ nghĩ hết sốt bệnh sẽ giảm, không theo dõi dễ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Các biến chứng nặng của SXH thường xảy ra ở giai đoạn hết sốt. Lúc này nếu người bệnh có những dấu hiệu lừ đừ, vật vã, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết (chảy máu cam, chảy máu chân răng)... Ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, tiểu ít, tay chân lạnh…cần ngay lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện, không nên chần chừ hoặc để qua đêm.
3. Nếu đã mắc SXH 1 lần thì sẽ không bị bệnh lần 2?
Nhiều người hiểu lầm rằng nếu đã mắc bệnh SXH thì sẽ được miễn dịch suốt đời, nên sau khi bị SXH sẽ không tái lại. Thực tế là virus gây bệnh SXH có đến 4 chủng khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một tuýp nào, cơ thể sẽ miễn nhiễm với tuýp đó nhưng có thể mắc những tuýp còn lại. Nghĩa là một người có thể mắc bệnh SXH đến 4 lần trong đời. Đáng lưu ý, lần mắc sau có thể nặng hơn lần đầu.
4. Nhiều gia đình lơ là với bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay một số gia đình còn chủ quan, lơ là trong việc phòng chống và điều trị sốt xuất huyết dẫn đến hậu quả không mong muốn. Bởi thực tế theo chia sẻ từ các chuyên gia, phần lớn người mắc sốt xuất huyết nặng là do bản thân và gia đình không theo dõi phát hiện sớm những triệu chứng nguy hiểm, dẫn đến nhập viện trễ.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ trùng lắp với những bệnh lý khác, nhất là nhiễm siêu vi, viêm họng, viêm hô hấp trên…. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có một triệu chứng quan trọng là sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên. Nếu trẻ có triệu chứng đó thì nhiều khả năng người bệnh mắc bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, cần chủ động phòng tránh bệnh hơn chữa bệnh bằng cách phòng ngừa muỗi đốt, tiêu diệt môi trường sống của muỗi, diệt lăng quăng. Nhiều người nghĩ rằng muỗi không bay được cao nên không thể xuất hiện ở các chung cư tầng cao. Thực tế muỗi có thể theo thang máy để đi lên và tại các lầu nếu có nơi chứa nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển thì vẫn có thể tạo thành ổ dịch.
Nguồn: Internet